Báo cáo "Thủ Thiêm - thời điểm vàng" vừa được công bố của JLL Việt Nam đề cập đến vô vàn cách thức mà các đại gia bất động sản tiếp cận quỹ đất tại khu đô thị mới được kỳ vọng hiện đại nhất Đông Nam Á. Và 71% số lô đất tại đây đã được phê duyệt về tay các đại gia địa ốc, hạ tầng.
Một cách phổ biến mà các đại gia bất động sản áp dụng là thông qua hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Theo đó, để đổi lấy cơ sở hạ tầng trong khu đô thị mới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp cho chủ đầu tư các lô đất. Đến nay, 45% tổng diện tích có thể phát triển đã được phê duyệt thực hiện qua hình thức BT.
Tiên phong đầu tư vào Thủ Thiêm theo hình thức BT, Đại Quang Minh đang thực hiện hàng loạt các dự án lớn về hạ tầng và khu dân cư. Cụ thể, Đại Quang Minh sẽ xây dựng 4 tuyến đường chính gồm đường ven sông Sài Gòn, đường ven hồ trung tâm, đại lộ vòng cung và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía nam, cầu đi bộ và cầu Thủ Thiêm 2. Dự án làm công viên bờ sông (khoảng 9ha) và xây quảng trường trung tâm (quy mô khoảng 20ha) cũng đang được lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Tương tự, cũng đầu tư hạ tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công ty CP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật Tp.HCM (CII) sẽ hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc. Đổi lại, CII nhận được khoảng 6.000m2 đất sử dụng 50 năm (để xây văn phòng cho thuê), trả tiền thuê một lần và 90.000m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây nhà ở).
71% số lô đất tại Thủ Thiêm đã được phê duyệt. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Ngoài ra, UBND Tp.HCM cũng đã cho phép Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nghiên cứu xây cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị này với đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Một hình thức khác để tiếp cận quỹ đất Thủ Thiêm mà các ông lớn địa ốc áp dụng là qua hình thức đấu thầu. Những lô đất đầu tiên đã được mang ra đấu thầu từ năm 2011. Đến năm 2016, 10% diện tích có thể phát triển đã được chuyển giao qua hình thức đấu thầu cho các nhà đầu tư lớn đến cực lớn.
Theo Ban quản lý Thủ Thiêm, thời gian tới chính quyền sẽ tiếp tục mời đấu thầu 16% trong tổng diện tích có thể phát triển. Đáng chú ý nhất là 5 lô trong khu chức năng số 2a.
Tuy nhiên, một vấn đề gặp phải là các dự án vẫn xây dựng khá chậm. Tại Thủ Thiêm, khoảng 62% trên tổng diện tích sàn (trên mặt đất) vẫn chưa được xây dựng bởi nhiều chủ đầu tư còn đang gặp khó khăn khi làm thủ tục xin giấy phép đầu tư.
Những dự án đã xây tại Thủ Thiêm hiện chủ yếu là những dự án nhà ở. Tính đến nay, khu vực này vẫn chưa ghi nhận thêm kế hoạch phát triển dự án thương mại nào ngoài dự án thương mại phức hợp Thaco của Đại Quang Minh sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018.
Theo đánh giá của JLL, quỹ đất ở Thủ Thiêm phần lớn đã có nhà đầu tư thông qua rất nhiều hình thức và chủ yếu thuộc về những tập đoàn quy mô đa ngành và ông lớn đầu ngành. Điều này cũng có nghĩa quỹ đất sạch còn lại trong khu đô thị này ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư vào đây vẫn rất lớn.
JLL cũng cho biết, tính đến quý IV/2017, rất nhiều nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Thủ Thiêm qua hình thức mua lại hoặc liên doanh với đối tác có uy tín trong nước. Trong tương lai, khu vực trọng điểm này được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững nhờ xu hướng này.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao của Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) từng chia sẻ, Thủ Thiêm là khu vực mới đầy tiềm năng, nhiều điểm sáng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây chưa phải là một thị trường hoàn hảo 100%. Thủ Thiêm vẫn còn tồn tại một số nhược điểm. Cụ thể, Thủ Thiêm dù rất thuận lợi để là nơi ở nhưng chưa tạo được sự thu hút, kết nối việc làm và vẫn kém sôi động ở các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí. Đây là nguyên nhân khiến Thủ Thiêm vẫn cách xa trục đô thị phía Nam Tp.HCM và khu trung tâm hiện hữu.
Cũng theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy các nhà đầu tư rót vốn vào Thủ Thiêm, các chính sách, thủ tục hành chính xin giấy phép đầu tư cần thông thoáng hơn.
(Theo Vnexpress)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét